Không tốn quá nhiều chi phí thuê mặt bằng
Thấy được xu hướng khách thích quán nước có không gian xanh,ồngbonsaikếthợpmởquáncàphêđểtăngthunhậcnk cảnh vật thiên nhiên, nên Đào Tiến Anh (23 tuổi), ngụ tại H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, cùng với người anh mở mô hình kinh doanh cà phê bonsai ở địa phương vào đầu tháng 8.2023.
Hơn 3 năm về trước, Tiến Anh đã trồng và kinh doanh hàng chục loại cây kiểng như: sanh, si, khế từ tầm trung đến cỡ lớn với dáng cổ thụ… Nhờ thế, việc kết hợp với quán cà phê sẵn có không tốn quá nhiều chi phí thuê mặt bằng, lại được thêm khách biết đến. Theo Tiến Anh hoạt động này giống như "cộng sinh" giúp nhau phát triển.
"Quán đã có sẵn, mình chỉ cần xây thêm không gian theo ý thích và đem bonsai vào trang trí. Trong quán, mình chọn bonsai làm chủ đạo, dựng thêm ngôi nhà lá nhằm đem lại sự mộc mạc, gần gũi cho khách", Tiến Anh chia sẻ.
Quán cà phê của Tiến Anh rộng 250 m2, không gian xanh chiếm hơn 90% (chủ yếu là các dòng bonsai). Thức uống là các loại trà, cà phê muối, rượu vang kết hợp với nhạc nhẹ, mang lại cho khách cảm giác thư thái mỗi khi ghé qua.
Tiến Anh cho hay: "Trước đây, do không có diện tích trưng bày nên mình chủ yếu trồng và bán bonsai qua mạng, ít khi được giao lưu với khách hàng trực tiếp. Việc kết hợp với quán cà phê giúp mình tiết kiệm chi phí mặt bằng, quen với nhiều khách hàng hơn, đặc biệt có không gian mát mẻ để người bán trải lòng, truyền kinh nghiệm về thú vui đầy tao nhã này đến với mọi người".
"Có những khách không thích hoặc chưa biết gì về bonsai nhưng đến quán uống cà phê cũng đã mua vài cây về trồng thử khi được mình tư vấn cách chăm sóc cây. Ngoài kinh doanh trên mạng, mình còn thu được hơn 20 triệu đồng/tháng nhờ bán bonsai tại quán cà phê", Tiến Anh nói thêm.
Tăng thêm nguồn thu nhập
Hiện nay các nhóm, hội về bonsai trên Facebook lên đến hàng trăm ngàn thành viên tham gia. Tại đây, mọi người hay giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm trồng kiểng cũng như mua bán cây.
Thấy được lợi thế này, chị Nguyễn Thị Thu Thảo, ngụ tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM, cũng mở thêm quán cà phê ngay vườn bonsai ngay ở nhà. "Tôi mong muốn có một nơi để khách hàng vừa uống nước, vừa được xem các chậu bonsai đẹp mắt", chị Thảo nói.
"Trước đây, tôi đã trồng và kinh doanh bonsai nên không tốn quá nhiều tiền để mua về trưng bày. Chỉ cần sắm thêm bàn ghế, nguyên liệu đã mở được một quán cà phê nhỏ cũng như bố trí lại không gian là có thể đón khách đến thưởng thức, ngắm cây", chị Thảo nói.
Trung bình mỗi ngày, chị Thảo đón hàng trăm khách, chủ yếu là những người yêu thích bonsai đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. "Nhiều khách đến uống cà phê rồi yêu thích bonsai tôi trồng nên đã hỏi mua, nhờ thế có thêm thu nhập. Cuối tuần, tôi phải mua thêm phôi, cây giống về chăm sóc cũng như trang trí lại quán", chị Thảo cho hay.
Quán cà phê bonsai của chị Thảo có không gian thoáng, mát mẻ. Ngoài ra, chị còn mua thêm nhiều loại kiểng có trái như: sơ ri, mận, ổi, khế, cóc để trưng bày trên các kệ xung quanh.
"Từ lúc kinh doanh kết hợp như thế, mỗi ngày tôi phải tranh thủ dậy sớm tưới nước trước khi khách đến. Tỉ mỉ, cẩn thận uốn lại thân cây, cắt tỉa những lá hỏng, thừa để không gian luôn sinh động, xanh tươi…", chị Thảo nói thêm.
Sắp tới, chị Thảo định thuê mặt bằng gần đường Phạm Văn Sáng, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM, để trồng và chăm sóc thêm các loại bonsai. Sau khi đầu tư cơ sở vật chất xong, chị sẽ mở thêm quán cà phê tại đây để phục vụ khách.
Có thể nói những quán cà phê bonsai như điểm dừng chân cho ai muốn "trốn" sự bận rộn, tất bật. Ngồi xuống quán, uống một ly nước mát lạnh, ngắm nhìn những cây bonsai dáng đẹp, lá xanh, thì trong lòng ít nhiều sẽ cảm nhận được sự bình yên, thư giãn, quên đi mọi phiền muộn.
"Không chỉ mang hình thức kinh doanh, quán tôi còn là nơi để mọi người thoải mái đến (không cần gọi thức uống – PV) cũng được học cách chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho bonsai, hỗ trợ nhau về những vấn đề như: mua phôi, cây giống, giới thiệu mua bán với nhau...", chị Thảo tâm sự.